Tiếp tục hợp tác chia sẻ chuyên môn từ dạy học kết nối

     Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là yêu cầu tất yếu trong giáo dục ở thời đại công nghệ số. Trong tuần qua, Trường THCS Nam Cường đã tổ chức thành công 02 tiết học theo mô hình dạy học kết nối với trường trung học cơ sở Na Hối huyện Bắc Hà và trường THCS thị trấn Tằng Lỏong huyện Bảo Thắng. Hoạt động chuyên môn này đã ghi dấu ấn đặc biệt trên hành trình đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học.

     Dạy học kết nối là phương pháp dạy học tích cực mà thầy và trò có thể sử dụng các công cụ kết nối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để tổ chức, hỗ trợ cho việc dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học. Không chỉ rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, dạy học kết nối đã góp phần nâng cao năng lực của giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình dạy và học; mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho giáo viên; giúp học sinh có cơ hội giao lưu học tập lẫn nhau để mài giũa và nâng cao chất lượng học tập.

     Nhận rõ tầm quan trọng của công nghệ số, trường THCS Nam Cường đã tích cực tập huấn năng lực công nghệ thông tin cho cán bộ giáo viên nhân viên, đã sử dụng các phần mềm ứng dụng CNTT trong quản lý, quản trị trường học. Đặc biệt vận dụng  CNTT trong mỗi tiết học góp phần nâng cao chất lượng dạy học và đổi mới phương pháp dạy học. Cùng với năng lực chuyên môn tốt, công nghệ thông tin thuần thục, giáo viên nhà trường đã chủ động tổ chức các giờ dạy áp dụng mô hình dạy học kết nối vươn ra các trường ngoài thành phố. Các tiết học kết nối môn Ngữ văn của cô giáo Phạm Thị Như Khánh – Giáo viên tổ KHXH và môn Toán của cô giáo Trần Thúy Dậu – Giáo viên tổ KHTN là một minh chứng cho thành công của việc hội nhập hợp tác trong giáo dục, của việc đổi mới phương pháp dạy học chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc nối tiếp những tiết học kết nối ở các môn Tiếng Anh lớp 7, Địa lý lớp 7 năm học 2022- 2023 của ba nhà trường và hai môn Toán, Ngữ văn 8 năm học này điều đó càng khẳng định nhà trường và các tổ chuyên môn quan tâm đến các lớp thay sách. Việc  sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy như: Hỏi đáp, quan sát, thực hành, bài tập dự án, lớp học đảo ngược,… cùng một số kỹ thuật dạy học phù hợp thu hút sự chú ý, khích lệ tính tích cực, phát huy năng lực tự học của học sinh.

     Thông qua văn bản “Chùm truyện cười dân gian Việt Nam” các em học sinh đã hiểu rõ trong cuộc sống thì có rất nhiều thói hư tật xấu cần được lên án và phê phán. Tác giả dân gian đã dùng tiếng cười thông qua nhiều hình thức để lên án các thói xấu đó. Đồng thời việc đọc hiểu các câu chuyện trong chùm truyện cười dân gian Việt Nam, chúng ta sẽ được khám phá thêm những cách thức tạo ra tiếng cười, những sắc thái của tiếng cười trong cuộc sống. Từ những bài học đó giúp các em nâng cao kĩ năng sống, tránh xa các thói hư tật xấu trong xã hội. Bên cạnh đó tiết học không kém phần sôi nổi là môn Toán với bài “Đồ thị hàm số bậc nhất”, Cô giáo Trần Thúy Dậu đã cho học sinh 2 điểm cầu nhận xét chéo các sản phẩm của trường bạn: giúp các em có tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Khách quan, công bằng, đánh giá chính xác bài làm của nhóm mình và nhóm bạn. Các em đã ghi nhớ được các kiến thức, khái niệm, tính chất cách vẽ đồ thị hàm số bậc nhất, đồng thời so sánh, phân tích dữ liệu, phân tích, lập luận để giải thích được các tính chất, khái niệm về đồ thị của hàm số bậc nhất.

    Thông qua các tiết học các em đều nâng cao được kĩ năng được hiểu và nâng cao kĩ năng tự học cũng như hợp tác nhóm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập. Giúp các em xây dựng năng lực tự chủ và tự học trong tìm tòi khám phá, nâng cao khả năng giao tiếp và hợp tác trong trình bày, thảo luận và làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và sáng tạo trong thực hành, vận dụng. Các em học sinh ở cả ba điểm cầu đều tích cực, chủ động và có sự chia sẻ để chiếm lĩnh nội dung bài học.

    Với hình thức tổ chức mỗi đơn vị trường là một điểm cầu, tất cả học sinh được trao đổi trong một không gian học tập chung, cùng được làm việc trên một không gian. Đây là cơ hội để học sinh của các huyện, thành phố được trao đổi, giao lưu học tập về cùng một nội dung bài học, từ đó, góp phần phát triển và nâng cao năng lực của học sinh, xây dựng năng lực tự học trong thời đại kỉ nguyên số. Những nội dung kiến thức khó được các thầy cô, các bạn ở các điểm cầu cùng giải quyết, giúp cho sự kết nối được mở ra với không gian học tập vô biên. Học sinh có cơ hội phát triển kĩ năng giao tiếp – hợp tác, tự chủ – tự học, giải quyết vấn đề – sáng tạo,.. Cũng chính mô hình dạy học kết nối giúp giáo viên giữa các đơn vị giao lưu học tập về năng lực chuyên môn, phát hiện điểm  mạnh, yếu góp ý bổ sung cho nhau, từ đó giúp đỡ học sinh được nhiều hơn. Mong muốn những tiết học như thế tiếp tục được nhân lên. Mong muốn việc bồi dưỡng chuyên môn của các thầy cô, giữa các nhà trường được thường xuyên và  hiệu quả cao từ những tiết học kết nối. Cũng là gắn chặt thêm tình đoàn kết và thêm những người bạn trong cuộc sống.

                                                 Nguyễn Vân – THCS Nam Cường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *