HD thực hiện nhiệm vụ GD dân tộc 2013-2014 – PGD&ĐT

HƯỚNG DẪN

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với giáo dục dân tộc

 
               Thực hiện Công văn số 1234/SGD&ĐT-GDHSDT ngày 12/9/2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 – 2014 đối với Giáo dục dân tộc; Công văn số 1234/SGD&ĐT-GDHSDT ngày 12/9/2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn hoạt động đặc thù ở trường PTDTNT, PTDTBT; Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc năm học 2013 – 2014, như sau: 
            I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
– Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các trường gắn với việc tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục; kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ lên thăm Lào Cai; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành…
– Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học.
– Đẩy mạnh tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường học, tập trung vào việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh các kĩ năng sống, nâng cao nhận thức về đường lối chính sách dân tộc của đảng và nhà nước, tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục văn hóa các dân tộc trong nhà trường; huy động mọi nguồn lực để thay đổi cảnh quan trường học theo tiêu chí xanh – sạch – đẹp – an toàn – thân thiện.
– Triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
            II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
            1. Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua
Nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cần được triển khai cụ thể, hiệu quả:
– Các đơn vị trường học tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào một số môn học và trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.
– Sáng tạo trong cách thức triển khai các phong trào (sinh hoạt theo chủ đề, định kì). Mỗi cán bộ quản lí, giáo viên cần vận dụng khéo léo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trong thực hiện nhiệm vụ dạy học và chăm sóc giáo dục học sinh. Đề cao vai trò của Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, của tổ trưởng chuyên môn và người đứng đầu các tổ chức đoàn thể trong trường học. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh việc thực hiện “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
– Chú trọng‎ xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và tham gia các hoạt động giáo dục toàn diện.
– Chủ động sưu tầm, tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục văn hoá dân tộc (các môn thể thao, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian) và kiến thức địa phương  (lịch sử, địa lý địa phương, tiềm năng kinh tế, xã hội, những thế mạnh, những khó khăn,…) cho học sinh, trong các buổi ngoại khoá, sinh hoạt tập thể.
           2. Nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường
Tổ chức thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục theo đúng hướng dẫn  của Phòng GD&ĐT. Tăng cường dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo chuẩn kiến thức, chuẩn kĩ năng, phù hợp với đối tượng học sinh.
Trong đó cần chú ý các nội dung sau:
– Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học; xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng đúng đối tượng học sinh.
– Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phù hợp tình hình thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh.
– Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lí, dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số.
             3. Tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp
– Xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp; có cổng trường, tường rào; vườn rau xanh, cây xanh, vườn hoa. Ở những đơn vị có đủ quỹ đất, khuyến khích xây dựng chuồng nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú.
– Tổ chức hiệu quả các hoạt động quản lí, giáo dục học sinh thực hiện tốt nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường; xây dựng lối sống văn minh, thanh lịch của học sinh dân tộc nội trú, bán trú; tổ chức, hướng dẫn và tạo cho học sinh nề nếp, ý thức, phương pháp tự học; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm lí, sinh lí lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc thiểu số.
– Tăng cường giáo dục giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số cho học sinh. Lựa chọn các hoạt động Lễ, Hội  phù hợp để tổ chức các hoạt động ngoại khóa.
            4. Bảo đảm chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
– Triển khai việc chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học dân tộc thiểu số theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT về việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
– Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số qua các hoạt động dạy học trong các môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ học; tổ chức có hiệu quả chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học.
           5. Tổ chức các hoạt động nội trú dân nuôi, bán trú
          5.1. Tổ chức và quản lý học sinh ở nội trú, bán trú
– Nhà trường tiến hành phổ biến các quy định của Bộ, của Sở Giáo dục và Đào tạo và nội quy của nhà trường về công tác học sinh nội trú, bán trú.
– Lập sơ đồ các phòng ở và lập sổ theo dõi học sinh nội trú, bán trú.
– Phân công cán bộ trực trong khu nội trú 24/24 giờ trong ngày để giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy của  học sinh trong khu nội trú và xử lý các vi phạm.
– Tổ chức các hoạt động tự quản của học sinh để phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm với bản thân và tôn trọng tập thể của học sinh nội trú, bán trú.
– Tổ chức đối thoại (3 tháng/1 lần) giữa Ban giám hiệu nhà trường hoặc Ban quản lý khu nội trú với đại diện học sinh nội trú để kịp thời phát hiện, giải quyết nguyện vọng chính đáng của học sinh. Các buổi đối thoại có biên bản ghi chép chi tiết và lưu vào hồ sơ.
– Xây dựng tiêu chí thi đua giữa các phòng trong khu nội trú về bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan trong phòng ở của khu nội trú.
– Phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ quản lý, giáo viên và đội tự quản trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong khu nội trú. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác.
– Tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu tài liệu để thực hiện sơ cấp cứu ban đầu kịp thời cho học sinh nội trú khi xảy ra tai nạn, ốm đau đột xuất. Xây dựng tủ thuốc sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh nội trú, bán trú ở tất cả các điểm trường.
             5.2. Tổ chức giáo dục học sinh nội trú, bán trú
Nhà trường lựa chọn cách thức để tổ chức giáo dục cho học sinh về các nội dung sau:
– Cách giao tiếp, ứng xử: Tập trung vào việc giúp học sinh mạnh dạn và tự tin khi giao tiếp với thầy cô, bạn bè; biết cách chào hỏi phù hợp với đối tượng được tiếp xúc; biết tự giới thiệu về bản thân, về nhà trường, về quê hương,…
– Cách ăn uống điều độ, hợp vệ sinh: Sinh hoạt ăn uống theo quy định nội trú của nhà trường; không ăn quà và những thực phẩm ăn liền không rõ nguồn gốc xuất xứ.
– Cách sắp xếp, sử dụng, bảo quản dụng cụ, trang thiết bị trong phòng ở và khu nội trú: Hướng dẫn học sinh biết sắp xếp, sử dụng, bảo quản trang thiết bị trong phòng ở (đèn, quạt, giường chiếu, bàn ghế,…), khu nhà bếp (bếp nấu, đồ dùng nấu ăn, bát đũa,…), khu vệ sinh (hệ thống van nước và các thiết bị nhà vệ sinh,…).
– Cách tự chăm sóc bản thân: Hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân (cách rửa mặt, đánh răng, chải tóc, tắm gội, giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ; biết giặt sạch, phơi, gấp quần áo, chăn, màn gọn gàng; biết sắp xếp đồ dùng cá nhân ngăn nắp; biết cách giữ gìn sức khỏe.
– Vệ sinh trường lớp, khu nội trú: Phân công học sinh hàng ngày trực nhật, quét dọn vệ sinh trường lớp, khu nội trú (không để cỏ dại mọc trên sân trường, bám vào tường rào; trong những ngày không mưa, không có nước đọng trên sân trường, hệ thống rãnh thoát nước cần được vệ sinh thường xuyên để tránh việc sinh sản của ruồi, muỗi, côn trùng). Bố trí đặt thùng rác ở những địa điểm hợp lý để thuận tiện cho việc dọn vệ sinh hàng ngày.
5.3. Tổ chức và hướng dẫn học sinh ở nội trú, bán trú tự học
– Lãnh đạo nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm tổ chức hướng dẫn học sinh lập kế hoạch, thời gian biểu tự học; ký cam kết thực hiện đúng kế hoạch, không vi phạm thời gian biểu.
– Tổ chức giờ tự học của học sinh một cách khoa học, phù hợp để dành thời gian cho các hoạt động khác.
– Quản lý giờ tự học của học sinh một cách chặt chẽ nhưng không mang tính giám sát thường xuyên để khuyến khích học sinh có ý thức tự giác phấn đấu học tập.
          5.4. Tổ chức đời sống vật chất, chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng học sinh ở nội trú, bán trú
– Thực hiện công khai dân chủ hoạt động nuôi dưỡng học sinh; tổ chức nấu ăn đảm bảo dinh dưỡng theo đúng chế độ mà học sinh được hưởng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức khám bệnh, tiêm phòng, cân đo học sinh theo định kỳ; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng chống bệnh dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Có biện pháp phòng, chống rét cho học sinh. Tổ chức cho học sinh thể dục buổi sáng vào tất cả các ngày trong tuần; khuyến khích học sinh luyện tập thể thao phù hợp với lứa tuổi.
– Tổ chức cho học sinh trồng cây, rau xanh trong khuôn viên trường học (lựa chọn loại giống cây, rau thích hợp với điều kiện khí hậu ở đại phương, có sản lượng thu hoạch hiệu quả về kinh tế). Đối với những đơn vị trường có quỹ đất rộng có thể làm chuồng nuôi nên tận dụng thực phẩm thừa sau bữa ăn của học sinh để nuôi gà, nuôi lợn (chú ý đảm bảo điều kiện vệ sinh, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi).
            5.5. Tổ chức đời sống tinh thần cho học sinh nội trú
* Tổ chức ngày Tết dân tộc
Căn cứ vào số lượng học sinh của từng dân tộc trong trường để tổ chức ngày tết dân tộc theo phong tục của dân tộc mà học sinh trong trường chiếm phần đông.
* Tổ chức các hội thi
– Lập kế hoạch và bố trí thời gian phù hợp để tổ chức trong năm học (có thể lồng ghép với các hoạt động khác).
– Nội dung: có thể lựa chọn các nội dung:
+ Thi học sinh thanh lịch các dân tộc.
+ Thi tìm hiểu văn hóa các dân tộc.
+ Thi văn nghệ, thể thao,…
* Tổ chức hỗ trợ các nhu cầu cá nhân cho học sinh nội trú
– Tổ chức vui chơi, giải trí, thể thao trong khu nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường.
– Sắp xếp để có phòng tự học, đọc sách, báo, xem ti vi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ,…
– Tổ chức các hoạt động tư vấn về tâm lý, sức khoẻ, kỹ năng sống, học tập, hướng nghiệp và việc làm,…
            5.6. Công tác giáo dục văn hóa dân tộc
– Xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương đảm bảo tính thiết thực, được triển khai thường xuyên, định kỳ.
– Đưa ra nội dung cụ thể, phù hợp với mục tiêu, điều kiện dạy và học của nhà trường, đảm bảo sự hài hoà giữa địa phương và tộc người; cung cấp những kiến thức cơ bản về địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội và về văn hoá truyền thống của các dân tộc trên quê hương.
– Khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc mình khi đến trường; đối với các trường học tại 2 xã Tả Phời, Hợp Thành tổ chức cho học sinh mặc trang phục dân tộc truyền thống theo Công văn số 423/PGD&ĐT-CM ngày 27/12/2012.
– Phối hợp với địa phương, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương.
          6. Tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số  
         6.1. Tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc
– Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương về phát triển giáo dục đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số; thực hiện nghiêm túc phân cấp quản lí về giáo dục dân tộc theo các quy định hiện hành; đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc; làm tốt công tác tuyên truyền để toàn xã hội quan tâm tới giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, vùng cao.
– Triển khai xây dựng hệ thống số liệu về giáo dục dân tộc hằng năm theo các cấp học và theo thành phần dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt công tác thông tin giữa Phòng GD&ĐT và địa phương về giáo dục dân tộc, bảo đảm đáp ứng có chất lượng, kịp thời các văn bản chỉ đạo về giáo dục dân tộc.
– Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các trường có học sinh nội trú, bán trú vùng dân tộc thiểu số ở các lĩnh vực: quản lí dạy học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh nội trú, bán trú; thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh; việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai đối với cơ sở giáo dục theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDDT ngày 7/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
          6.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở vùng dân tộc thiểu số
– Nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên quản lý học sinh nội trú, bán trú về: tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù; hoạt động ngoài giờ lên lớp; công tác học sinh nội trú, bán trú; đặc điểm tâm lí học sinh dân tộc thiểu số, văn hoá dân tộc; về giáo dục môi trường; giáo dục giá trị, kĩ năng sống, tâm lí học đường,…
– Tăng cường vai trò của tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; chú trọng ý thức tự bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh DTTS và dạy học sát với khả năng, trình độ nhận thức của các đối tượng học sinh.
         7. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giáo dục dân tộc
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, vùng cao.
– Đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc, vùng cao. Tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách giáo dục nói chung, đối với giáo dục dân tộc nói riêng.
Tiếp tục có ý kiến đề xuất, tham mưu các chính sách của địa phương, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số.   
       III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
       1. Giải pháp quản lý, chỉ đạo
– Các trường học tổ chức thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; kế hoạch, chương trình và các nội dung khác về giáo dục dân tộc.
– Sáng tạo, chủ động tham mưu, đề xuất nội dung chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.
– Tổ chức kiểm tra chuyên đề về các nội dung liên quan đến giáo dục dân tộc trong nhà trường để có đánh giá cụ thể về chất lượng, hiệu quả các nội dung đã chỉ đạo.
      2. Giải pháp tổ chức thực hiện
– Thường xuyên cập nhật tư tưởng, nội dung chỉ đạo về nhiệm vụ giáo dục dân tộc.
– Thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới người dân, đặc biệt với cha mẹ học sinh về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với giáo dục dân tộc và những quyền lợi học sinh được hưởng.
– Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chỉ đạo nhiệm vụ giáo dục dân tộc.
– Xây dựng kế hoạch chi tiết về việc tổ chức các hoạt động giáo dục dân tộc trong nhà trường, bảo đảm tính phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
– Cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trường học quan tâm đến việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sư phạm, nâng cao năng lực chuyên môn; bồi dưỡng nhiệt huyết đối với nghề nghiệp; thương yêu chăm sóc học sinh.
– Bảo đảm chi trả đầy đủ, công khai các chế độ, chính sách tới học sinh; sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí nhà nước cấp, kinh phí xã hội hóa cho hoạt động giáo dục dân tộc trong nhà trường.
     IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
      1. Phòng GD&ĐT
– Hướng dẫn các đơn vị trường học thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với giáo dục dân tộc phù hợp chức năng, nhiệm vụ, bám sát chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
– Phối hợp với các ban, ngành cùng cấp thực hiện tốt chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số theo quy định.
– Tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc của các đơn vị trường học trên địa bàn; nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, đề xuất các chủ trương, biện pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục dân tộc.
– Thực hiện chế độ báo cáo theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
– Phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên.
3. Các trường học
– Xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với giáo dục dân tộc phù hợp chức năng, nhiệm vụ.
– Căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, lựa chọn giải pháp triển để khai thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo.
– Chấp hành chế độ báo cáo, thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định tại Kế hoạch thời gian năm học và các văn bản hướng dẫn sơ kết, tổng kết nhiệm vụ năm học 2013 – 2014 đối với giáo dục dân tộc.
Trên đây là hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 – 2014 đối với giáo dục dân tộc; Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu các trường nghiêm túc triển khai thực hiện./.
 
          

Nơi nhận:
– Lãnh đạo UBND TP;
– Lãnh đạo PGD&ĐT TP;
– Các trường MN, TH, THCS, TH&THCS;
– Lưu: VT, CM. 
KT. TRƯỞNG PHÒNG
PHÓ TRƯỞNG PHÒNG
 
(Đã ký)
 
Trần Quốc Việt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *